Sáo chuẩn âm là gì ? Như thế nào là cây sáo chuẩn ?

06 Tháng Tư 2021

Sáo chuẩn âm là gì? Các tiêu chí để đánh giá một cây sáo chuẩn, sáo như thế nào thì không chuẩn, … Những câu hỏi đặt ra cho các bạn chơi sáo, mua sáo và cũng cho cả những người chế tạo ra tiêu sáo như bản thân mình. Đó vẫn từng là một vấn đề đã được mình tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều. Vấn đề ở đây là sáo và tiêu thuộc bộ hơi, không giống như đàn guitar hay piano hay ocgan, … có cao độ cố định, mà phụ thuộc vào người thổi cao độ của cây sáo có thể thay đổi ít nhiều.

Có sáo chuẩn âm 100% không?

Câu trả lời là không có sáo chuẩn âm 100% bởi 3 lý do sau:

  • Cao độ (độ chuẩn) của sáo phụ thuộc vào người thổi: hơi khỏe thì tiếng sáo sẽ cao hơn, cách đặt môi góc độ như thế nào (ngữa ra sẽ cao hơn), khoảng lỗ thổi bị môi che đi ít hay nhiều (che đi nhiều thì tiếng sáo sẽ thấp xuống). Sự chênh lệch phụ thuộc vào người thổi sẽ có thể lên đến 1/2 cung, tức là 1 nốt nhạc.
  • Độ chuẩn của sáo phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường: Đây là điều mà nếu bạn học tốt vật lý sẽ biết và thực tế cũng chứng minh điều đó, trời lạnh thì tiếng sáo sẽ thấp xuống và ngược lại, nhiệt độ môi trường cao thì tiếng sáo sẽ cao lên. Tuy nhiên, nhiệt độ này chính xác là nhiệt độ không khí trong lòng ống sáo, do vậy, khi chúng ta thổi lâu hoặc làm nóng ống sáo, nhiệt độ này sẽ ổn định ở khoảng gần 37 độ (bằng với nhiệt độ thân nhiệt) nên cao độ của sáo lúc đó sẽ ổn định hơn. => Kinh nghiệm cho thấy, thổi sáo vào mùa có thể bị non xuống 1/4 cung, tuy nhiên, sau khi làm nóng sáo thì con số này sẽ giảm bớt còn khoảng 1/8 cung hoặc ít hơn.
  • Độ chuẩn của sáo sẽ có sự lệch quảng: quảng 2 của sáo thường non so với quảng 1, đặc biệt là các nốt cao như sol la si. Lý do chính là do nút chặn sáo để xa lỗ thổi (3-5mm) làm cho quảng 2 bị non so với quảng 1 và các nốt gần lỗ thổi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Một lý do nữa xuất hiện do lòng trong của sáo không phẳng, không đều, thường thấy ở sáo trúc (sáo làm bằng trúc), việc lòng không đều sẽ làm thấp đi cao độ của quảng 1 và ít ảnh hưởng đến quảng 2, tức là ngược lại với nút chặn. Đối với tiêu thì đôi lúc sẽ ngược lại, vì nút chặn tiêu xem như ở ngay lỗ thổi và tiêu làm bằng trúc.
    Ngoại ra sự lệch quảng này còn gặp phải do cách thổi, cách điểu chỉnh hơi của các bạn, thường thì với sáo, nếu hơi yếu, quảng 2 sẽ bị non khá nhiều.
  • Ngoài ra, độ chuẩn của sáo, tiêu còn có thể sẽ tăng lên 1 chút sau khi vỡ tiếng do lòng trong sáo láng mịn hơn. Đặc biệt, với 1 số shop sáo làm sáo khi nứa chưa khô hẳn, nên độ co rút khi khô sẽ có làm cho cao độ của sáo có chút thay đổi, thường là cao lên.

=> Như vậy, cao độ của sáo và tiêu phụ thuộc vào âm thanh phụ thuộc vào người thổi, nhiệt độ mội người, và sự vỡ tiếng của sáo.

Vậy, như thế nào là sáo chuẩn âm? – Các tiêu chí đánh giá một cây sáo chuẩn âm.

Tấc nhiên vẫn có khái niệm sáo chuẩn âm là gì nhưng nó sẽ không có tính tuyệt đối mà chỉ tương đối.

  • Cao độ của các nốt nhạc trên sáo khi thổi bởi một người thổi sáo khá và tốt (hơi không quá yếu và tiếng sáo trọn, rõ) không lệch quá giới hạn, nghe phô beat. Giới hạn ở đây trung bình khoảng 20%, lớn nhất 40% và giữa 2 nốt 50% (100% thì sẽ chuyển qua nốt cao hoặc thấp hơn 1/2 cung). Giới hạn này còn tùy loại sáo nữa, với sáo Mèo – sáo Bầu thì sự chênh lệch này phải ít hơn, do độ chuẩn sáo mèo và sáo Bầu không bị ảnh hưởng nhiều bởi luồng hơi. Còn với tiêu thì giới hạn này có thể cao hơn ở quảng 3, rất khó để xử lý vấn đề này, nhưng vì tiêu ít chơi lên quảng 3, và cũng có thể khắc phục bằng cách đổi thế bấm các nốt quảng 3 (đặc biệt, tiêu 10 lỗ, 11, 12 lỗ sẽ có các cách bấm chuẩn và dể lên hơn cho quảng 3 của tiêu).
    Ví dụ: Si 1 già 20%, Si2 non 20% thì vẫn được xem là chuẩn, và nếu người thổi tốt thì hoàn toàn có thể xử lý bằng hơi để cao độ chuẩn 100% được (thổi nhẹ nốt si1 1 chút, căng hơi nốt si 2 1 chút).
  • Sáo thổi đủ các nốt, full quảng (sol3): thổi được đủ các nốt cần thiếtvà lên đủ nốt từ Do1 đến Sol3 được xem là điều kiện để nhận biết một cây sáo tốt, tuy nhiên, trong một số trường hợp, 1 số tone sáo, loại sáo, chúng ta không nhất thiết phải quan trọng các nốt cao. Ví dụ, sáo tone trầm hoặc tiêu do chú trọng các nốt trầm nên các nốt cao có thể khó lên hoặc không lên được một số nốt và các nốt đó cũng ít gặp khi chơi loại tiêu sáo đó. Và thường thì sáo cần tối thiểu lên được đến nốt re3 và cần nốt rê 3 mượt mà một chút.

Ngoài ra: Các tiêu chí cần thêm để chọn một cây sáo tốt.

  • Sáo chuẩn âm cần thổi được các nốt thế bấm phụ: Si giáng 1, si giáng 2, Re3 là 3 nốt thường được để ý đến. Các nốt này cần nhẹ, thổi tiếng đẹp. Si giáng 2 thường là nốt ít được biết đến nhưng rất quan trọng khi test sáo, các bạn cần test nốt này. Tuy nhiên, ở một số loại sáo như sáo trầm hay tiêu, nốt si giáng 2 có thể sẽ hơi bí, và chúng ta cũng có cách để khắc phục điều đó bằng thế bấm.
  • Cách thổi nốt si giáng 2 dể và đẹp hơn: nốt si giáng 2 thường được mở theo thế bấm chỉ bịt ngón nốt la và mở tất các các nốt, tuy nhiên, các bạn có thể thử sang thế bấm mở si và rê (thế này hơi cao), hoặc mở si và sol (thế này rất tốt đó), ở tiêu hoặc sáo 10 lỗ thì các bạn có thể kết hợp mở thêm một số nốt thăng giáng nữa nhé!
  • Sáo chuẩn âm và tốt cần test thêm các kỹ thuật : Đây là vấn đề không quan trọng trong nhiều trường hợp và với nhiều bạn, tuy nhiên, nếu nhu cầu của các bạn cần sử dụng các kỹ thuật này nhiều và tone sáo các bạn cần mua phù hợp (sáo đô c5 chẳng hạn thì nên test). Các bạn nên test các nốt, đặc biệt là các nốt quảng 3 khi sử dụng 2 kỹ thuật này. Tuy nhiên, đối với sáo trầm và tiêu, thì việc đánh lưỡi và reo sẽ khó hơn, đó là điều dể hiểu và có thể xem là tất yếu, có cách để khắc phục nhưng sẽ không toàn vẹn, do vậy, các bạn nên bỏ qua hoặc không quan trọng tiêu chí này khi kiểm tra sáo.

Cách nhận biết sáo chuẩn âm:

  • Để nhận biết sáo chuẩn âm hay không chúng ta có thể thổi vào beat cùng tone để nghe xem sáo có chuẩn âm hay không? Nếu nghe hòa, không phô thì là sáo chuẩn. Tuy vậy cũng nhiều người không cảm nhận được và không chính xác hoàn toàn. Chúng ta sẽ sử dụng máy tuner để kiểm tra độ chuẩn của sáo.
  • Máy đo âm Tuner là gì? một công cụ đo cao độ âm thanh, đo nốt nhạc, khi nghe thấy âm thanh, nó sẽ hiện thị tần số âm thanh và cho biết nó thuộc nốt nào và đang non hay già bao nhiêu phần trăm so với nốt đó (100% của tuner thường bằng 1/2 cung).
  • Máy đo âm tuner mua ở đâu? Các bạn có thể mua máy tuner ở các cửa hàng nhạc cụ, nhưng có một giải pháp đơn giản và không mất gì đó là, các bạn có thể tải phần mềm, ứng dụng tuner về máy tính hoặc điện thoại để sử dụng.
  • Cách đo âm, nhận biết sáo chuẩn âm bằng tuner: Các bạn thổi các  nốt nhạc bằng 1 luồng hơi vừa phải (giống khi các bạn thổi vào bài hát) để đo âm và xem tuner báo đã chuẩn chưa. Các bạn cũng có thể điều chỉnh hơi và ấp ngữa sáo để điều chỉnh cho tuner chỉ chuẩn nhất (vì có một số bạn hơi không ổn định, đây cũng là cách để tập thổi sáo chuẩn hơn). Các bạn test đủ các nốt từ do1 đến do3 và điều chỉnh hơi để tiếng sáo chuẩn nhất có thể. Nếu các bạn tự tin mình thổi sáo tốt mà vẫn không điều chỉnh được cho tiếng sáo chuẩn âm (theo các tiêu chí mình đã nói ở phía trên), thì sáo của bạn có thể xem là không chuẩn âm.
    Sử dụng tuner để học thổi sáo chuẩn và tốt hơn cũng là một phương pháp học thổi sáo tốt. Việc tập thổi chuẩn tuner sẽ giúp các bạn điều chỉnh hơi trong thổi sáo tốt hơn, giúp các bạn tự cân bằng được các quảng âm. Hãy tập xông hơi sáo với tuner mỗi ngày nhé! (phương pháp này được NSUT Đinh Linh khuyên dùng).
    Cuối cùng, sau khi các bạn đã biết cách điều chỉnh, hãy bật tuner và thổi những bản nhạc đơn giản và xem tuner chỉ có chính xác không nhé. Thổi chậm 1 chút và phần mềm hay máy đo tuner phải nhạy 1 chút sẽ đo được độ chuẩn khi thổi vào bài hát. Nếu trong khi các bạn thổi tuner chuẩn thì vào beat nhạc cũng sẽ không bị phô về cao độ (trừ khi beat nhạc của bạn khác chuẩn âm với sáo – vấn đề này mình sẽ nói tiếp ở phần dưới).

Lưu ý:

  • Cần thổi sáo khá trở lên mới test được độ chuẩn của sáo. Nếu bạn thổi sáo còn kém, các bạn có thể test riêng quảng 1 và học cách điều chỉnh như phía trên mình nói để test nhé! Vì để điều chỉnh, test sáo ở quảng 2 thì các bạn cần thổi sáo tốt hơn.
  • Nhiều lúc sáo chuẩn tuner và chuẩn beat về cao độ, nhưng nghe hòa beat vẫn bị phô do cường độ, do âm sắc. Việc phô cường độ và âm sắc trên sáo có thể do cách thổi của bạn hoặc do chất lượng cây sáo.

Chuẩn cao độ của âm thanh là gì? chuẩn âm 440 442 445 … là gì?

Các bạn thường nghe và đọc được các khái niệm này trong các bài quảng cáo bán sáo của các shop bán sáo. Vậy nó là gì?

  • Tần số nốt La ở quảng thứ 4 (nốt la thứ 4 trên đàn piano) hay gọi là nốt A4 bình thường sẽ là 440 hz, nó được đo theo một thanh chuẩn (cái này không cần quan tâm).
  • Tần số các nốt sẽ tỉ lệ với nhau bởi 1 hằng số, tức là nốt A4# cao hơn nốt A4 1/2 cung thì tần số A4# sẽ cao hơn tần số A4 với tỉ lệ là T(1/2 c) và tỉ lệ này là cố định, hằng số, tức là tỉ lệ tần số nốt B4 so với A4# cũng vậy.
    Về tỉ  lệ này. Cụ thể sẽ như sau:
    Do -1c – re- 1c- mi- 1c/2- fa- 1c – sol – 1c – la – 1c – si – 1c/2 – do2  (6 cung).
    Ví dụ tần số nốt Đô là Fđ thì tần số nốt Đô # sẽ là Fđ x T(1/2 c), nhân tiếp dần sẽ ra nốt Rê, Mi Fa … đến nốt Do sẽ có tần số gấp đôi nốt Do1.
    Do vậy T(c) ^6 = T(q) =2. Vậy T(c) = căn bậc 6 của 2., T(1/2 C) = căn bậc 12 của 2.
  • Như vậy, chúng ta có thể hiểu khoảng cách cao độ của các nốt sẽ bằng nhau nếu khoảng cách cung bằng nhau (tuy nhiên, khoảng cách này là tỉ lệ, phép chia, không phải phép cộng trừ nha), và người ta lấy nốt A4 làm chuẩn. Khi nói chuẩn cao độ 440 hz là chuẩn cao độ thông thường, nếu chúng ta chỉnh nó lên 445, thì tần số các nốt khác sẽ cao lên với tỉ lệ 445/440 lần.
  • Tần số nốt A4# (la thăng) là 466 hz vậy các chuẩn cao độ 445, 447 đổ lại đều có thể hòa âm với nhạc cụ chuẩn 440 ổn.
  • Tại sao lại phải làm sáo chuẩn 445 hay 443, …: Có 2 lý do cho việc làm chuẩn cao độ khác đi, đó là.
    Khi làm sáo, người ta phải làm sáo cao hơn 1 chút để khi thổi vào bài nó sẽ vừa, tuy vậy, nếu bạn biết cách điều chỉnh hơi để tiếng sáo thật hơn (giống lúc thổi vào bài nhạc hơn) thì không nhất thiết phải làm sáo cao hơn chuẩn.
    Một số beat nhạc sẽ làm chuẩn ở 443 hay 445 thay vì 440, và tiếng sáo có khi nên cao hơn beat 1 chút mới hay và đôi lúc người ta phải làm sáo có chuẩn âm phù hợp với mùa (Ví du: mùa hè thì làm sáo để thổi vào mùa đông phải cao hơn mua hè 1 chút, vì vốn dĩ vào mùa đông, sáo sẽ thấp đi).
    Ngoài ra, chuẩn cao độ còn cần khi làm sáo riêng cho từng người chơi khác nhau, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng ấp ngữa môi và đẩy hơi mạnh nhẹ, nhưng mỗi người đều có một góc hơi, cách đặt môi riêng, phù hợp để tiếng sáo đẹp nhất. Vậy nên, không phải lúc nào cũng thay đổi cách đặt môi được mà chúng ta phải chế tạo sáo riêng cho họ

Mua sáo trúc tốt, chuẩn âm HÃY CHỌN SÁO TRÚC VIỆT